Tớ đã đi thi IELTS như thế đó!

Kinh nghiệm thi IELTS của một cô nàng chẳng biết thi để làm gì và thậm chí còn chẳng biết cần phải làm gì trong ngày thi.

Thi Ielts


Lần này mình đi thi IELTS không để làm gì. Kỳ giáng sinh, ba mẹ mình hỏi mình muốn gì, một cái Ipad, một cái Kindle hay bất kì thứ gì đó mình muốn. Hoặc tất cả những thứ đó. Nhưng mình đã chọn một kỳ thi. Thi IELTS. 200 euros là đủ để mình trả tiền ăn uống trong một tháng tại Pháp, là vô nghĩa nếu mình không thực sự cần nó để apply một chương trình nào đó ở một quốc gia nói tiếng Anh nào đó. Nhưng mình vẫn chọn thi, một kì thi mà mình còn không biết nó có mấy phần, điểm số bao nhiêu và sẽ diễn ra như thế nào.
Tất nhiên là mình có đi in sách, mất gần 25 euros. Mình đã mãi mãi không thể đọc hết đống tài liệu đó cho đến khi kỳ thi diễn ra. Nếu không nhầm thì đó là tài liệu Cambridge IELTS 8. 
Nhưng khoan, trước hết phải biết cấu trúc của bài thi cái đã. Trên Youtube có một tài khoản tên là English Acaedemic Help giới thiệu khá chi tiết về cả bốn kỹ năng thi IELTS, chịu khó nghe thầy hướng dẫn cấu trúc các phần thi bằng tiếng Anh rồi vẽ ra sơ đồ để hình dung.
Những nguồn thông tin ôn bài và các tips lớn đã được mình chia sẻ trong bài "Tự luyện IELTS với 0 đồng học phí" rồi. Bài viết này sẽ chia sẻ cụ thể về kinh nghiệm diễn ra ngay chính ngày thi hôm đó mà thôi.

Thi Listening Ielts


Trong phần thi này, hai bài đầu luôn gắn liền với đời sống hoặc văn hóa thường thức. Nếu bài nghe đầu là độc thoại, kiểu đưa thông tin, thì phần 2 sẽ là hội thoại giữa hai người. Hai phần còn lại "dính" với học đường nhiều hơn và thường dễ nghe hơn với mình vì mình đã có một năm học tập tại Hà Lan. Việc nắm được cấu trúc bài thi sẽ giúp bạn đi tắt đón đầu những tính chất riêng của mỗi phần.
Mình bị bể phần thứ 2 vì bài thi nói về văn hóa thổ dân Úc và có nhiều thuật ngữ không có trong từ điển của mình. Thêm nữa, mình bị phân tâm về một… cái gì đó ngoài cửa sổ nên sau khi nghe một vài từ chuyên ngành không ra, mình bỏ luôn phần 2 và chỉ tập trung vào hai phần còn lại. Vì máy chỉ được bật một lần nên phần nào đã qua thì cho nó đi luôn, không nên mò mẫm lại trong trí nhớ làm gì, tránh bị phân tâm cho những câu hỏi sau. Cái gì không chắc, mọi người nên ghi lại trong tờ đề thi ở bên cạnh để đoán vào lúc cuối. Thi IELTS không bị trừ điểm cho bài sai nên cứ… "viết tầm bậy" vào tờ kết quả!

Thi Reading Ielts

 Trong những bài tự làm tự chấm ở nhà, đây là phần mình yếu nhất. Những lần làm thử ở nhà, mình có khi chỉ đạt 3.0. Thực sự đây là phần mình không thích nhất vì toàn thuật ngữ chuyên ngành mà mình nghĩ là trong đời mình sẽ không bao giờ dùng tới.

Phần này có ba bài đọc. Phần thứ nhất về khủng long, phần thứ hai về sinh học và phần thứ ba về Tâm lý con người trong việc làm việc nhóm. Vì phần ba là chuyên môn của mình nên mình đã ưu tiên làm trước phần bản thân nắm chắc.
Để nối đúng nội dung của tiêu đề với mỗi đoạn văn, mọi người cần đọc câu đầu và câu cuối vì đó thường là câu tóm nội dung chính. Mình chọn cách đọc hết tất cả các nội dung, vì cảm thấy phần thông tin này thú vị và vì tiếc sẽ không bao giờ tìm lại được nó một khi đã nộp bài kiểm tra đi. Hì hì.
Sau khi đã đúng chừng 80% cho phần đọc thứ 3, mình mới làm cái nội dung ít dễ ghét hơn trong hai bài đọc là về khủng long. Rất may là bài này yêu cầu điền từ nên mình chỉ cần đọc lướt nội dung toàn bộ bài đọc thì có thể đoán được phần nào nói về cái gì và từ nào thì liên quan. Có những từ khó, mình dùng phương án loại suy, hoặc hên xui. Kiểm tra bằng ngữ pháp cũng là một cách hay nhất là với những ai ngày xưa đi học có quan tâm chút xíu tới ngữ pháp tiếng Anh.
Sau đó thì dù rất chán những mình cũng phải nhảy qua bài đọc về Sinh học. Đọc lần 1 không hiểu, lần 2 không hiểu, lần n không hiểu và lần cuối cùng thì mình đúc rút ra một điều (mà bất kì ai chưa đọc đề cũng có thể hiểu được) là mỗi đoạn văn tác giả sẽ viết về một vấn đề duy nhất thôi. Nhiệm vụ của mình lúc đó là tìm vấn đề chính của mỗi đoạn. Vì mỗi đoạn ngày hôm đó gắn với tên tuổi nhà khoa học nên mình đã lần mò theo tên của họ.
Vậy là, từ không hiểu gì, mình đã có thể mò ra đáp án cho mỗi câu hỏi bằng cách lần theo ý chính của các nhà bác học. Và mặc kệ nó nói đến mưa gió bão bùng động đất gì cũng không quan tâm mà chỉ chú tâm đến tên nhà bác học thôi.
Kết quả là mình làm xong ba bài đọc dư giờ, nhưng việc dư giờ không hề ứng với trường hợp thi Viết.

 

Thi Writing Ielts
 

Mình rất sợ kĩ năng này, nhất là sợ phần một vì khi đi thi mình chỉ mang theo một tờ A4 gồm các kí họa biểu đồ và từ tương ứng. Nhưng xin thề là lúc ngồi vào bài thi mình chỉ nhớ được hai từ là increase và decrease, thậm chí mình còn không biết gọi tên sự khác biệt giữa các biểu đồ!
May cho mình là hôm đó không thi biểu đồ mà thi số liệu về những khoản chi của người Anh trong vòng 30 năm qua, với những hạng mục như Ăn uống, mua sắm, đi lại, văn hóa…
Mình viết nhiều, viết xong nhớ ra hình như có số lượng chữ giới hạn hay số lượng chữ ít nhất phải viết thì phát hiện ra là đề bắt viết ít nhất 250 từ.
Mình tốn thời gian cho phần 1 hơn phần 2, thậm chí có lúc tưởng mình viết lạc đề vì phân tích sự khác biệt trong các khoản chi (trong khi phần này thì chỉ cần đưa số liệu và so sánh thôi). Đây là cái dại rất lớn vì phần 2 mang lại nhiều điểm hơn phần 1, vì thế, mọi người nên chú tâm vào phần 2 hơn nhé.
Sang phần 2, câu hỏi là việc nên học giỏi một số môn học yêu thích hay nên học giỏi đều. Dù mình biết theo quan điểm cá nhân là chỉ nên học các môn yêu thích (giống mình) nhưng biết xu hướng chấm thi IELTS rất thích những bài viết dở dở ương ương, nghĩa là cả ủng hộ và không ủng hộ hai ý kiến trái chiều đó, nên mình cũng "chơi" chiêu bài đó.
Cái tánh mình đã viết là viết dông viết dài và dẫn chứng nhiều nên bài IELTS mình viết nhiều dẫn chứng vô cùng tận. Mình viết nhiều "ở Việt Nam, nước tôi"… để làm nên sự khác biệt với những bài thi của các bạn Pháp. Mình viết cả chuyện ở Việt Nam mấy nhỏ bạn mình thân hình gầy còm nhưng vẫn khóc lên khóc xuống xin thầy điểm thật cao môn thể dục cho đẹp bảng điểm và còn nhớ là có ghi câu "cuộc đời quá ngắn để biết mình có thật sự thích cái môn yêu thích đó hay không" nên tốt nhất là cứ học hết rồi đưa ra quyết định theo đuổi nó tới cùng.


Thi Speaking Ielts


E hèm. Đây là phần mình đạt điểm cao nhất và tin là mình sẽ đạt điểm cao nhất sau khi thi xong. 7.5.
Vì đây là phần thi mình muốn được điểm cao nhất nên mình cũng áp lực nhất. Lúc ngồi ở ngoài chờ, thề là quả tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực và bấm thang máy về với… người yêu đang ngồi chờ ở dưới cho rồi, không thi thố gì nữa !!!
Lúc vào, bà giám khảo hỏi "How can I call you?" mà mình đực mặt ra và hỏi lại "Bà nói cái gì vậy, vui lòng nói lại cho tôi nghe coi" làm bà ấy sửng sốt vô cùng. Có lẽ bà ta không nghĩ một đứa đi thi IELTS mà đến khi người ta hỏi cái tên của mình thì cũng phải hỏi lại. Nói thiệt, người Anh phức tạp quá, hỏi tên thì hỏi phức ra đi, còn bày đặt "tôi gọi bạn thế nào đây"?
Nhưng sau câu hỏi đầu tiên muối mặt đó, mình lấy lại phong độ. Bà ta hỏi mình học cái gì, mình nói ngay mình học Truyền thông, không đợi hỏi tại sao lại học ở Pháp, mình nói ngay vì ở Việt Nam không có ngành này và ở nhà mọi người cứ có xu hướng đánh đồng Truyền thông là Tổ chức sự kiện nên mình đi học về cho bọn nó biết là… thế giới truyền thông rộng lớn mênh mông bao la vô cùng tận. Haha.
Bà ấy hỏi tiếp là mình đã từng làm việc nhóm chưa, mình đưa dẫn chứng là cái chiến dịch Viết thư cho mẹ nhân mùa Vu Lan mà mình làm với Hotcourses hồi đầu năm. Nhân đây mình cũng giải thích cho bà ấy hiểu Vu Lan là gì và tại sao lại phải viết thư cho mẹ (vì ở Việt Nam mình không hay nói I love you với mẹ nên viết thư thì dễ tỏ tình hơn ^__^)… Nói chung, kinh nghiệm của mình là phải chủ động trong khi nói vì người ta sẽ đánh giá cao việc bạn phản ứng nhanh nhạy và biết cách trình bày thông tin liên quan mà không phải chờ người đối diện hỏi tới tấp.
Kinh nghiệm rút ra là đi thi IELTS phải với tinh thần "thằng hàng xóm và những người học Ngoại ngữ thi được thì mình mắc gì không thi được".
Sau đó, mỗi ngày trước kì thi nên xem Ellen và nghe nhạc tiếng Anh. Đọc một quyển sách viết bằng tiếng Anh nói về vấn đề yêu thích (bản thân mình đã đọc sách về Paris là thành phố mình yêu thích không-nhất-thì-nhì ở trên đời :x) và suốt ngày lên các trang tin tức (The Guardian, BBC phiên bản tiếng Anh, NyTimes và CNN) rồi đọc to lên như người ta luyện làm phát thanh viên là được!

Nguồn: hotcourses

Thanh Phương biên tập