Tám chuyện làm Baito của du học sinh tại Nhật

Dạo gần đây có rất nhiều bạn đi Nhật du học với mục đích chính là kiếm tiền (mình nói là phần đa số nhé). Theo quy định các bạn chỉ được làm 28h/ tuần nhưng thực tế có nhiều bạn còn đi làm gấp đôi lượng thời gian ấy, làm ngày, làm đêm. Thời gian nghỉ ngơi ít dẫn đến tinh thần mệt mỏi và kết quả học tập sa sút. Một số chỉ dừng lại ở trường tiếng rồi về Việt Nam xin việc; một số có tinh thần cầu tiến hơn sẽ thi trường chuyên môn và học nữa.

Mình thấy làm Baito (làm thêm) không phải là điều xấu; theo mình nghĩ là tích cực. Đi làm cũng là cách các bạn trải nghiệm, học hỏi thêm vốn tiếng và trang trải chi phí sinh hoạt. Mình là một phiên dịch viên; tiếp xúc với người Nhật khá nhiều; những phàn nàn từ nhà quản lý về các bạn du học sinh khi làm thêm là không ít. Dưới đây là những lỗi mà các bạn dễ mắc phải khi đi làm thêm, các bạn nhớ rút kinh nghiệm nhé!

1.Không đúng giờ

Quản lý yêu cầu bạn có mặt lúc 13h thì có khi giờ chạy cao su hẳn một tiếng hoặc nhiều hơn thế. Theo sau đó là vô vàn lý do như: thời tiết, lỡ tàu,..v..v. Người Nhật rất kỹ tính và cũng bảo thủ nữa, họ không cần biết lý do bạn đưa ra logic đến mức nào, điều họ quan tâm chỉ là cuộc hẹn của họ đã bị xem nhẹ và thiếu tôn trọng. Ngay cả khi bạn đã được vào làm; đúng giờ gần như là nguyên tắc; hiệu suất công việc được đặt lên hàng đầu.

2. Tiếng Nhật kém

Điều này đã được đề cập tới rất nhiều trong các bài viết. Thực ra, các bạn mới sang tiếng Nhật chưa được giỏi thì phải chấp nhận làm các công việc lương thấp hơn chút. Nhưng sai ở chỗ, bạn chưa hiểu hết câu mà vẫn gật đầu “hai”, “hai”; thế là người quản lý nghĩ bạn hiểu rồi lại nói tràng giang đại hải và bạn thì cứ làm sai tùm lum. Ở một khía cạnh nào đấy họ sẽ nghĩ bạn là người “thùng rỗng kêu to” đấy nhé. Vậy nên, trước khi bắt đầu một công việc gì các bạn nên cẩn thận tìm các từ chuyên ngành liên quan đến công việc, học trước và thực hành; như vậy bản thân bạn cũng cảm thấy tự tin hơn nhiều mà người quản lý cũng dễ dàng trao đổi công việc với bạn hơn.

3. Nghỉ việc không lý do

Trường hợp này gặp nhiều ở các bạn sinh viên trẻ tuổi; đã có rất nhiều phản ánh từ các nhà quản lý rằng “bác không thể chịu nổi kiểu làm việc của học sinh A, học sinh B”. Như thế là vô trách nhiệm nhé. Có nhiều bạn nhờ các senpai xin việc làm thêm cho; lúc mới đầu thì rất khẩn thiết nhưng được một thời gian thì bỏ bê. Trùng lịch học -> nghỉ, vào đúng dịp đi chơi với bạn bè -> nghỉ, không thích công việc -> nghỉ; vấn đề là các bạn nghỉ  mà không có một thông báo cụ thể nào cả. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ kinh doanh của chủ cửa hàng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các senpai, những người đang làm việc tại quán.

4. Nghỉ ốm bất chợt

Có nhiều bạn làm cùng lúc nhiều việc, sức không tải được nên dẫn đến việc ăn ngủ tranh thủ; việc ngủ quá giấc đi làm hoặc bị ốm là điều có thể xảy ra. Hoặc là vì hôm nay trời mưa, trễ tàu các bạn đều quy về lý do nghỉ ốm. Lý do này không được áp dụng nhiều như vậy đâu; người Nhật là tuýp yêu thích công việc nên việc bạn cứ báo nghỉ vì lý do sức khỏe nghĩa là bạn chưa hẳn là con người có quyết tâm và ý chí. Trường hợp gặp phải quản lý khó tính thì bạn chắc hẳn bị cho thôi việc đấy.

Bạn biết đấy, kể ra thì ít nhưng mắc phải những khuyết điểm trên là bạn đã tự làm hạn chế đi cơ hội xin việc của bạn rồi. Ở một đất nước nhật kỷ cương và nề nếp thì không cho phép bạn sống theo kiểu “cá nhân” được. Cần sống hòa nhập và tuân thủ những quy định mà nhà quản lý đưa ra; sống văn minh và luôn cầu tiến các bạn nhé.

Chúc các bạn Du học sinh Việt nam tại Nhật có thể kiếm được công việc phù hợp và có thời gian học tập đầy ý nghĩa tại Nhật Bản!