Theo thống kê của Cục Đào tạo với nước ngoài, phần lớn học sinh sinh viên Việt Nam khi du học đều chọn học ngành Quản trị kinh doanh. Nếu không tìm hiểu chi tiết về ngành Quản trị kinh doanh, bạn có thể sẽ lãng phí số tiền đầu tư du học to lớn cũng như thời gian quý báu thay vì được học tập và tiếp cận ngay với môi trường xã hội ở các nước tiên tiến bạn theo học.
Ngành thừa nhân sự nhưng thiếu chất lượng.
Quản trị kinh doanh là một ngành học khá rộng với các chuyên ngành như quản trị nhân sự, quản trị kinh doanh tổng hợp, quản trị chất lượng, quản trị dịch vụ, quản trị du lịch, quản trị kinh doanh quốc tế, thương mại, marketing, quản trị truyền thông… Đây đều là những ngành học được đánh giá là “hot” trong những năm vừa qua khi Việt Nam mới gia nhập WTO, nhu cầu nhân sự thuộc các chuyên ngành này khá lớn.
Chính vì vậy, đa số các trường ĐH tại Việt Nam đều đào tạo ngành này dẫn đến tình trạng “vừa thừa vừa thiếu” nhân lực trên thị trường lao động. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động: “Thực tế là do đào tạo tràn lan ngành quản trị kinh doanh nên giữa cung và cầu lao động không gặp nhau. Nhiều doanh nghiệp (DN) thật sự rất cần nhân lực các ngành này song do không tìm ra được nhân lực đạt yêu cầu nên mới có tình trạng “tréo ngoe”: SV ra trường không tìm được việc làm trong khi nhiều DN vẫn thiếu”.
Cũng chính bởi việc đào tạo ngành quản trị kinh doanh trong nước đã bão hòa; SV ra trường lại khó xin việc nên nhiều bạn trẻ chuyển hướng sang du học ngành này ở các nước tiên tiến. Ngoài ra, mức lương dành cho lao động được đào tạo ở nước ngoài chuyên ngành quản trị kinh doanh đều ở mức đáng mơ ước; lại được đảm nhiệm các vị trí khá hấp dẫn trong các DN cũng là nguyên nhân khiến nhiều du học sinh Việt Nam quyết định lựa chọn ngành này.
@Hoàng ATK