Câu chuyện về năng lực và bằng cấp

Mùa hè năm 1988 tôi thi trượt vào khoa tiếng Nga, trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Nỗi đau khổ vì thi trượt dày vò tôi cho đến khi tôi thi đỗ vào trường này năm 1989. Sau 2 năm học, chúng tôi chuẩn bị hành trang để đi Liên Xô học chuyển tiếp sinh thì Liên Xô tan rã. Mơ ước xuất ngoại của sinh viên tiếng Nga chúng tôi tan thành mây khói. Sau 5 năm đại học, chúng tôi tốt nghiệp và biết chắc chắn là sẽ không kiếm được việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Bao nhiêu công sức, ước mơ đổ vào tiếng Nga cuối cùng chỉ là một mảnh giấy chứng minh là đã tốt nghiệp đại học.

Du học Nhật Bản: Lần đầu tiên đi phỏng vấn xin làm giáo viên tiếng Anh ở một trung tâm buổi tối, ông giám đốc nói với tôi “Tôi không cần biết cậu học cái gì và học ở đâu. Tôi cho cậu dạy thử buổi tối nay. Hết buổi học viên nhận xét tốt thì cậu ở lại. Họ chê thì cậu cầm 20.000 đồng mà về nhé!” Tôi gật đầu. Hết buổi dạy thử, ông giám đốc nói ngắn gọn: “Từ tuần sau, cậu dạy các tối Ba, Năm, Sáu.”

người thành công
Học vấn biểu hiện qua sự trưởng thành, hành vi và nhân cách chứ không phải bằng cấp.

Cuối năm 1994, tôi gặp lại người bạn cùng đại học. Anh ấy hỏi “một tháng, cậu kiếm được bao nhiêu tiền dạy tiếng Anh?” Tôi tự hào đáp “3 triệu”. Anh bạn tôi cười: “ở nghề của tôi, có ngày kiếm được từng đấy tiền.” Tôi bảo “cho tôi theo với!”. Thế là tôi bỏ nghề giáo viên “danh giá” nhưng ít tiền để trở thành một anh chàng hướng dẫn du lịch lông bông nay đây mai đó nhưng kiếm khá nhiều tiền. Bố mẹ tôi phản đối rất dữ vì với ông bà khoe với bạn bè là “cháu nhà tôi dạy ở Đại học Mở” oách hơn nhiều với việc bảo tôi đang làm cái nghề không được sang chảnh lắm.

Công ty du lịch cũng chẳng hỏi tôi có bằng đại học gì mà chỉ quan tâm đến việc tôi có đáp ứng được yêu cầu công việc không. Việc có giữ được việc hay không phụ thuộc vào kết quả nhận xét của khách hàng sau mỗi tour. Nếu được khen nhiều thì giữ được việc, nếu bị chê thì chịu khó đi tìm việc khác. Thế là lại phải cật lực làm việc, cật lực tự học thêm để không bị mất việc.

bangcap2
Hình minh hoạ, sưu tầm từ internet

Sau 2 năm làm du lịch, tôi chuyển qua làm việc cho Trung tâm Báo chí nước ngoài Bộ Ngoại giao chỉ sau một buổi phỏng vấn. Người phỏng vấn tôi hồi đó cũng chẳng quan tâm đến bằng cấp của tôi là gì và chỉ khẳng định nếu tôi không đáp ứng được yêu cầu công việc thì sẽ bị loại. Cuối năm 1996, Bộ Ngoại giao tổ chức thi tuyển công chức. Tôi ứng thi môn quan hệ quốc tế và tiếng Anh. Nếu hồi đó Bộ Ngoại giao bắt là phải có bằng tiếng Anh chính quy mới được thi tiếng Anh thì chắc là tôi không có ngày hôm nay.

Vì được hưởng lợi từ cơ chế tuyển dụng dựa trên thực lực (meritocracy) mà đến khi được làm nhà tuyển dụng, tôi không bao giờ quan tâm đến bằng cấp của ứng viên. Tôi cho mọi người cơ hội thử việc, để được đánh giá sòng phẳng và nếu làm được việc thì sẽ được tạo cơ hội để phát triển. Tất nhiên, những người không làm được việc sẽ tự biết là phải ra đi. Thành tựu lớn nhất của tôi từ trước đến nay là tạo ra một cơ chế trả lương dựa trên miêu tả công việc và kết quả đánh giá lao động. Chỉ tiếc là tôi không có thời gian ở lại để thực hiện đến cùng dự định này.

Tôi viết lại những điều này để chia sẻ với các bạn học sinh vừa thi xong PTTH và thi vào Đại học và các bạn đang là sinh viên rằng tấm bằng đại học không phải là mục đích cuối cùng và là mục đích quan trọng nhất. Cần nhất ở chúng ta là kỹ năng, tri thức và khả năng thích ứng với yêu cầu của công việc và cuộc sống đang biến đổi ngày càng nhanh chóng. Tôi cũng tin rằng chế độ tuyển dụng dựa trên năng lực (meritocracy) sớm muộn cũng trở nên phổ biến để không lãng phí người có năng lực và tiết kiệm được rất nhiều tiền của và thời gian cho việc học để lấy bằng cấp chứ không phải là thực học để lấy kỹ năng và tri thức.

Bài viết sưu tầm lại từ facebook thầy Bạch Ngọc Chiến: https://www.facebook.com/bachngocchien/posts/1730022350570028