Nguyễn Ngọc Điệp du học sinh Nhật thành đạt

Nhằm cung cấp thêm nhiều thông tin về những du học sinh Việt Nam sau khi đi du học về nước. Chúng tôi đã xin giới thiệu với bạn đọc bài phỏng vấn 1 doanh nhân khởi nghiệp rất thành công – anh Nguyễn Ngọc Điệp – Giám đốc công ty CP Vật Giá Việt Nam. Công ty Vật Giá (vatgia.com) đang có những bước tiến mạnh mẽ và là một trong những công ty tiên phong và đứng đầu về thương mại điện tử Việt Nam. Anh Nguyễn Ngọc Điệp là một cựu du học sinh Việt Nam ở Nhật.

nguyen ngoc diep

Phóng viên: Người ta thường nói rằng: “Cái gì cũng có cái giá của nó”. Vậy anh đã phải trả giá như thế nào từ khi thành lập công ty để vatgia.com có thương hiệu thành công như hiện tại?

NNĐ: Tôi không nhớ rõ lắm mình đã bị mất những gì khi thành lập công ty. Nhưng tôi nhớ rất rõ điều đã đọc về những “cái mất” khi thành lập công ty và xác định làm Giám đốc trong 1 cuốn sách.

Thứ nhất, khi làm Giám đốc, bạn sẽ mất nhiều tiền bạc. Ngoài chuyện bỏ vốn, bạn cần phải trả lương hàng tháng cho nhân viên chứ bạn không hề được nhận lương.

Thứ hai, bạn có thể phải ngồi một chỗ trong 3 năm mà không được đi đâu cả. Vì luôn có rất nhiều công việc chờ đợi bạn giải quyết.

Thứ ba, rủi ro là rất lớn cho một công ty còn non trẻ. Cho nên phá sản sẽ là điều có thể xảy ra. Và người Giám đốc sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều nhất khi công ty có chuyện.

Đó, vậy làm Giám đốc đâu có phải là “sướng” như mọi người vẫn nghĩ.

[jwplayer mediaid=”629″]

Video: Đường đến thành công của Nguyễn Ngọc Điệp

Phóng viên: Những thách thức lớn nhất mà anh đã gặp phải khi bắt đầu khởi nghiệp và làm như thế nào anh vượt qua những thách thức đó?

NNĐ: Thách thức và khó khăn lớn nhất với bản thân tôi đó là vượt qua chính mình, tập thói quen dậy đều đặn lúc 5h sáng tập thể dục. Và bắt đầu một ngày làm việc mới. Rồi những ngày nghỉ, ngày lễ không được tụ tập cùng bạn bè mà phải đến công ty làm việc. Nói chung là rất nhiều thứ cám dỗ xung quanh. Rồi không thể tránh khỏi sự phiền trách của gia đình khi đi sớm về khuya…Nhưng khi đã xác định được mục tiêu và con đường rõ ràng của mình thì cứ tiến lên phía trước, bỏ qua những vật cản xung quanh để tiến đến đích.

Phóng viên: Trước khi thành lập vatgia.com anh đã trang bị cho mình những gì để thành lập Công ty?

NNĐ: Thực ra không chuẩn bị nhiều lắm. Bởi vì lĩnh vực thương mại điện tử mà tôi dự đinh thành lập lại là một lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam khi đó. Vậy là lần mò tìm hiểu trên mạng, từ nhiều nguồn thông tin. Sau đó, tuyển những người làm cùng với mình. Với tôi nhân sự là điều vô cùng quan trọng trong một công ty. Nhớ những ngày mới thành lập, tôi phải đi thuyết phục từng người về ý tưởng kinh doanh mới mẻ này. Trong khi mọi người hầu như chưa có khái niệm gì về mô hình kinh doanh này, họ cũng chưa dám từ bỏ công việc hiện tại của mình để làm việc cho Vật giá. Vậy là tôi vừa phải làm việc, vừa phải chứng minh cho họ thấy Vật giá là nơi có thể đáp ứng rất nhiều nhu cầu của họ. Và họ tin tưởng, đi theo và làm hết mình. Bây giờ nhân viên của Công ty đã lên đến hơn 300 người. Và liên tục tuyển dụng thêm nhân sự mới.  

Phóng viên: Nói đến vấn đề nhân sự. Đây cũng là một điều khá đau đầu với các nhà lãnh đạo. Vậy với riêng anh – Giám đốc của Vật giá, anh đã tuyển chọn nhân viên như thế nào để có thể đáp ứng được nhu cầu công việc và mang lại hiệu quả cho Công ty?

NNĐ: Riêng với Công ty Vật giá, tôi đã tuyển nhân viên Không dựa vào những  tiêu chí như:

   + Độ tuổi

   + Kinh nghiệm

   + Xuất xứ  (học ở đâu ra)

   + Thâm niên

Mà tôi dựa vào việc tôi cần họ làm trong vị trí nào, công việc cụ thể như thế nào và họ có đáp ứng được hay không. Ví dụ tôi đang cần tuyển một cô nhân viên đánh văn bản thì tôi chưa chắc đã tuyển một sinh viên ra trường bằng giỏi của một trường kinh tế nào đó để đánh văn bản. Quan trọng là mình cần gì. Tập trung vào thứ mình cần thôi. Và bạn có thể quan sát thấy hầu hết nhân viên của Công ty còn có độ tuổi khá trẻ. Họ hầu hết thuộc thế hệ tuổi 8X và một số là đầu 9X. Tức là có một số các bạn sinh viên đã làm việc khi đang học năm thứ nhất, thứ hai. Nhân viên của Công ty luôn được tuyển dụng và đào thải theo thời gian, để đảm bảo tính chất và hiệu quả của công việc.

Phóng viên: Nếu được quay lại quãng thời gian thành lập Vật giá, anh tự thấy nên chuẩn bị mọi thứ kỹ lưỡng hơn nữa không?

NNĐ: Với tôi thì là không. Tôi không thể chần chừ và ngần ngại trong thời điểm quyết định thành lập Công ty cách đây 3 năm. Xem mọi yếu tố của mình đã đủ chưa. Bởi với sự ra đời của một công ty, mọi sự chuẩn bị không bao giờ là đủ cả. Nếu không có công ty đầu tiên, làm gì có những công ty tiếp tục được thành lập sau đó. Khi tôi thành lập công ty Vật giá đầu tiên mất 3 năm, thì khi thành lập tiếp Vật giá thứ hai mất 3 tháng. Và có lẽ khi thành lập Vật giá thứ ba, tôi sẽ mất chỉ 3 ngày. Vì sao ư? Đó là vì mọi thứ nguồn lực đã được chuẩn bị và rút kinh nghiệm từ những lần thành lập trước đó rồi.

Phóng viên: Một lời khuyên của anh dành cho các bạn trẻ đang ấp ủ dự định thành lập công ty?

NNĐ: Tôi nghĩ là đừng nên mở rộng công ty vội. Quan trọng là phải xác định mục tiêu rõ ràng của bản thân mình. Biết cái đích đến của mình. Vì thực ra, công ty chỉ là công cụ thể thực hiện mục tiêu của mình mà thôi. Khi thành lập công ty, phải tạo ra được giá trị – giá trị mang lại cho xã hội và người tiêu dùng. Để kết quả là họ sẽ trả tiền cho sản phẩm, dịch vụ mà họ được cung cấp vì họ thấy hài lòng và giá trị mình mang lại cho họ.

Một điều cuối cùng là nên đọc nhiều sách. Nhưng là sách do những người thành công vàgiàu nhất trên thế giới viết. Đọc sách của họ, nắm được nguyên lí cơ bản mà họ đã áp dụng thành công và làm theo.

Nguồn: Vcamp

Tuyên Hoàng tổng hợp